Thời Càn Long Nhạc_Chung_Kỳ

Tham gia trấn áp Đại Kim Xuyên

Năm Càn Long thứ 2 (1737), Chung Kỳ được phóng thích và quay về quê nhà.

Năm thứ 13 (1749), nhà Thanh chinh phạt Đại Kim Xuyên, lâu ngày chưa thành công. Tháng 3 ÂL, Càn Long đế mệnh cho khởi dùng Chung Kỳ, trao hàm Tổng binh. Chung Kỳ đến quân doanh, lập tức được thụ chức Tứ Xuyên đề đốc, ban Khổng tước linh. Bấy giờ Đại học sĩ Nột Thân thị sát quân đội, mà Trương Quảng Tứ giữ chức Tứ Xuyên tổng đốc nắm quyền về quân sự. Thủ lãnh của Đại Kim Xuyên là Toa La Bôn chiếm cứ Lặc Ô Vi (nay là hương Lặc Ô, huyện Kim Xuyên, Tứ Xuyên), con của anh trai ông ta là Lang Tạp chiếm cứ Cát Lạp Y (nay là hương An Ninh, huyện Kim Xuyên). Chung Kỳ đến quân doanh, Nột Thân ra lệnh tấn công Đảng Bá (nay là hương Đảng Bá, huyện Mã Kim Khang, Tứ Xuyên); Càn Long đế đem việc quân hỏi Chung Kỳ, ông dâng sớ nói: “Đảng Bá là cửa ngõ của Đại Kim Xuyên, điêu – tạp dày đặc, nhưng quan binh Hán – Thổ chỉ có hơn 7000. Thần thương lượng với Quảng Tứ, xin thêm 3000 binh, Quảng Tứ không đáp ứng. Quảng Tứ chủ trương từ Tích Lĩnh (nay là tây bắc Tiểu Kim, Tứ Xuyên), Tạp Tát (nay là phía tây Tiểu Kim) tiến đánh. Hai nơi này bị ngăn bởi Cát Lạp Y, cách Lặc Ô Vi hơn trăm dặm. Từ Đảng Bá đến Lặc Ô Vi chưa đến 50, 60 dặm, nếu phá Khang Bát Đạt, lập tức đánh thẳng vào sào huyệt của chúng. Thần thương lượng với Quảng Tứ, Quảng Tứ không cho là đúng, mà Quảng Tứ tin dùng thổ xá [13] Lương Nhĩ Cát cùng bọn Hán gian Vương Thu, e gây sai lầm.” Nột Thân cũng hặc Trương Quảng Tứ lao sư mi hướng [14]; triều đình giáng chiếu bắt Trương Quảng Tứ trị tội, nhưng cũng bãi chức Đại học sĩ của Nột Thân, lấy Phó Hằng thay làm Kinh lược.

Chung Kỳ tâu xin tuyển 35000 tinh binh: “10000 người rời Đảng Bá đi Lô hà, thủy lục cùng tiến; 10000 người từ Giáp Tác đánh 2 con ngòi Mã Nha Cương, Nãi Đương, hợp với quân ở Đảng Bá, đánh thẳng vào Lặc Ô Vi; 8000 người ở lại Tạp Tát, đợi hạ được Lặc Ô Vi, trước sau giáp công Cát Lạp Y; 2000 người ở lại Đảng Bá giữ lương thảo, 1000 người ở lại Chánh Địa phòng bị Lô hà, còn 4000 người đi lại tiếp ứng. Hẹn 1 năm sẽ bắt được Toa La Bôn cùng Lang Tạp. Thần tuy già, xin gánh vác nhiệm vụ này.” Càn Long đế mệnh cho Phó Hằng bàn tính, Phó Hằng dùng kế sách của Chung Kỳ.

Chung Kỳ từ Đảng Bá đánh Khang Bát Đạt sơn lương, đại phá địch. Quân Thành tiến đánh Tháp Cao sơn lương, tiếp tục phá địch. Chung Kỳ khi xưa giúp Niên Canh Nghiêu bình định Tây Tạng, Toa La Bôn lấy thân phận thổ mục để tòng quân; đến khi ông được làm tổng đốc, đem những trại thuộc về Kim Xuyên đã bị Niên Canh Nghiêu cắt nhượng cho Ốc Nhật, trả lại cho Kim Xuyên, còn tâu xin cấp cho ấn tín, hiệu chỉ [15], nên Toa La Bôn cảm ơn đức của Chung Kỳ. Quân Thanh tiến vào, Toa La Bôn sợ, sai sứ đến chỗ Chung Kỳ xin hàng. Chung Kỳ thỉnh thị Phó Hằng, rồi đem 13 kỵ binh theo sứ giả vào Lặc Ô Vi tuyên dụ. Toa La Bôn xin chịu ước thúc, đội kinh mà thề; ngày hôm sau, Toa La Bôn cùng Lang Tạp theo Chung Kỳ cưỡi thuyền bọc da, đến trước doanh trại của quân Thanh đầu hàng.

Càn Long đế khen ngợi Chung Kỳ, gia hàm Thái tử thiếu bảo, khôi phục phong tước Tam đẳng công, hiệu là Uy Tín. Chung Kỳ vào chầu, được nhận mệnh cưỡi ngựa trong Tử Cấm thành, miễn bồi thường số tiền thất thoát trong chiến dịch bình định Chuẩn Cát Nhĩ là hơn 70 vạn lạng bạc, trao chức Thị vệ cho con trai của ông là Điền, Phương, ban thơ ca ngợi, sau đó được nhận mệnh trở về nhiệm sở.

Những năm cuối đời

Năm thứ 15 (1750), Châu Nhĩ Mặc Đặc nổi dậy ở Tây Tạng, Chung Kỳ ra đồn trú Đả Tiến Lô, tham gia trấn áp nghĩa quân.

Năm thứ 17 (1752), Tạp Cốc thổ tư Thương Vượng nổi dậy, Chung Kỳ điều binh đánh dẹp.

Năm thứ 19 (1754), dân Trùng Khánh là Trần Côn nổi dậy, Chung Kỳ đang bệnh vẫn đích thân đi dẹp, về đến Tư Châu (nay là Tư Trung, Tứ Xuyên) thì mất. Càn Long đế ban cho Chung Kỳ lễ Tế táng, đặt thụy là Tương Cần; cho rằng công tước của ông không được thế tập, trao thêm võ giai Nhất đẳng Khinh xa đô úy, lệnh cho con trai ông là Tịnh thừa tập.